Giới thiệu kỹ thuật
Giới thiệu kỹ thuật

Cách để Trồng cây thược dược trong chậu

[:vi]Thược dược là loài hoa đẹp rực rỡ với nhiều màu sắc phong phú. Nhiều người làm vườn nghi ngại về việc trồng thược dược trong chậu do chúng khá cao và nặng, nhưng thực ra cây thược dược có thể sinh trưởng tốt trong chậu trồng cây lớn và có cọc nâng đỡ đối với các giống cây to. Với điều kiện trồng cây thích hợp và một chút công chăm sóc, bạn sẽ được ngắm những đóa hoa đẹp lộng lẫy trong suốt mùa hè.[:]

Phần 1 trong 3: Tạo môi trường thích hợp cho cây

1. Chọn giống hoa thược dược phù hợp với không gian của bạn. Bạn có thể mua củ hoa trên mạng hoặc tại các vườn ươm. Những giống thược dược lùn và sinh trưởng chậm sẽ phù hợp nhất với điều kiện trồng trong chậu. Một số giống thược dược có thể mọc cao đến 1,5 mét, do đó bạn sẽ cần chuẩn bị chậu lớn hơn nhiều nếu chọn giống cây cao.[1]

  • Các giống thược dược nhỏ và trung bình bao gồm Bednall Beauty với chiều cao đạt đến 60 cm, và giống Bishop of Llandaff mọc cao đến 90 cm. Các giống lớn hơn gồm Hadrian’s Sunlight và Twyning’s After Eight, có thể cao đến 1,2 mét hoặc hơn.
  • Một củ thược dược cần có không gian rộng 30-60 cm, vì vậy có lẽ bạn cần trồng mỗi cây một chậu.

2. Chọn chậu có kích thước tối thiểu 30x30cm. Bạn cần chọn chậu nặng, có chiều sâu tối thiểu 30 cm và đường kính tối thiểu 30 cm. Chậu có kích thước này có thể chứa được 20 – 25 lít đất.[4]

  • Với các giống cây to nhất, bạn hãy chọn chậu 60x60cm, thường chứa được khoảng 95 lít đất.

3. Chọn chậu nặng nếu bạn muốn trồng giống cây cao. Các giống thược dược mọc cao đến 0,9 – 1,5 mét thường bị nặng đầu, do đó chậu nhẹ có thể không đủ vững để chịu được sức nặng của cây. Ngoài ra, các giống cây cao đòi hỏi phải có cọc chống đỡ và càng thêm nặng.[5]

  • Bạn nên dùng chậu gốm hoặc chậu đất nung vững chắc vì chậu nhựa thường rất nhẹ.
  • Nhớ rằng chậu đất nung và chậu gốm không tráng men có đặc tính hút nước, vì vậy chúng có thể bị đông lạnh và nứt nếu được đặt ngoài trời trong mùa đông.

4. Đục lỗ thoát nước nếu cần thiết. Bước này có thể không cần thiết nếu chậu trồng cây đã có sẵn nhiều lỗ thoát nước. Tuy nhiên, nếu chậu chỉ có một lỗ ở giữa dưới đáy, bạn hãy đục thêm vài lỗ nữa để tăng khả năng thoát nước.

  • Thược dược sinh trưởng mạnh nhất trong môi trường thoát nước tốt. Mặc dù thược dược là cây cần nhiều nước, nhưng những sợi rễ mỏng manh của chúng dễ bị thối rữa nếu đất bị sũng nước.
  • Rải một lớp sỏi dày khoảng 5 cm dưới đáy chậu để cải thiện độ thoát nước.

5. Rửa chậu bằng nước ấm và xà phòng nhẹ dịu. Chậu trồng cây bẩn có thể lây bệnh cho cây, và trứng côn trùng có thể vẫn còn nằm chực chờ dưới đáy chậu. Bạn hãy loại bỏ những nguy cơ này bằng cách rửa chậu trước khi trồng cây. Xà phòng nhẹ dịu và nước là đủ làm sạch chậu.[8]

  • Nhớ xả nước kỹ để rửa sạch xà phòng.
  • Bước này đặc biệt quan trọng nếu bạn dùng chậu đã trồng các cây khác trước đó.

6. Chọn hỗn hợp đất trồng cây giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Đất trồng cây tiêu chuẩn thường quá xốp và có thể cản trở cây ra nụ. Để có hỗn hợp đất thích hợp, bạn hãy trộn 2 phần đất trồng với 1 phần rêu bùn hoặc phân chuồng đã hoại kỹ.

  • Lưu ý rằng đất vườn không phù hợp cho cây trồng trong chậu. Bạn cần mua đất trồng cây có gắn nhãn dành cho cây trồng trong chậu.

Phần 2 trong 3: Trồng cây

1. Trồng các củ hoa vào giữa mùa xuân. Bạn nên trồng thược dược vào mùa xuân hoặc từ tháng tư đến đầu tháng sáu ở bắc bán cầu. Thược dược rất nhạy cảm với sương giá, vì vậy bạn chỉ nên đặt chậu cây ngoài trời nếu không còn nguy cơ nhiệt độ hạ xuống mức đóng băng.

  • Nếu sống trong vùng thường có sương giá vào mùa xuân mà lại muốn trồng cây ngay, bạn có thể trồng trong nhà trước, sau đó mới chuyển cây ra ngoài.

2. Rải một lớp sỏi mỏng dưới đáy chậu. Một lớp sỏi rải dưới đáy chậu cũng có ích, nhưng bạn không nên rải lớp sỏi dày hơn 1,3 cm.

3. Đổ đất đến cách miệng chậu khoảng 13-18 cm. Đừng nén đất quá chặt. Bạn chỉ cần đổ đất vào chậu và để yên như vậy để giữ độ xốp. Nhớ rằng thược dược ưa đất tơi xốp và thoát nước tốt.

  • Cuối cùng, bạn sẽ chôn củ hoa ở độ sâu khoảng 10 – 15cm, sau đó lấp đất lên đến cách miệng chậu khoảng 2,5cm.
  • Để trồng củ hoa đúng độ sâu như trên, ban đầu bạn nên đổ đất đến cách miệng chậu khoảng 13-18 cm.

4. Tưới nhẹ lên đất, nhưng đừng tưới quá đẫm nước. Bạn cần tưới sao cho đất ẩm nhưng không ướt đến mức đất bị nén chặt. Thử dùng bình tưới để làm ẩm đất thay vì dùng vòi nước xịt vào đất.

5. Trộn phân bón vào lớp đất bên trên. Thược dược cần nhiều chất dinh dưỡng, và việc trộn phân bón vào lớp đất mà rễ sắp mọc ra sẽ giúp cây có một khởi đầu tốt. Bạn có thể dùng loại phân bón đa dụng tan chậm hoặc phân bón hữu cơ, chẳng hạn như bột xương hoặc phân bón làm từ rong biển.

  • Bất cứ loại phân bón nào được khuyên dùng cho cây hoa đều thích hợp với cây thược dược.
  • Bạn có thể tìm mua các loại phân bón bán trong cửa hàng với các con số N-P-K, biểu thị cho nitơ, photpho và kali. Phân bón thích hợp cho cây thược dược bao gồm các loại 5-10-15, 5-10-10, và 10-20-20.
  • Dùng phân bón có hàm lượng nitơ cao hơn vào đầu mùa, sau đó dùng loại phân bón khác với hàm lượng nitơ thấp hơn.
  • Đọc và sử dụng đúng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

6. Chôn cọc trong chậu để nâng đỡ cho các giống thược dược cao lớn. Nếu chọn giống cây mọc cao trên 90 cm, bạn cần nâng đỡ cây bằng cọc gỗ hoặc cọc kim loại chắc chắn. Cắm cọc vào đất trước khi trồng củ. Củ hoa và hệ thống rễ của nó có nguy cơ bị hư hại nếu bạn cắm cọc sau khi chôn củ.

  • Cắm cọc vào đất cạnh vị trí bạn định đặt củ hoa. Bạn nên chọn cọc có chiều cao trên mặt đất ít nhất 90 cm sau khi đã cắm chạm đến đáy chậu.
  • Với chậu 30 cm, bạn cần dùng cọc cao 1,2 mét.
  • Buộc lỏng thân cây vào cọc khi cây mọc lên.

7. Chôn củ thược dược nằm ngang. Đặt củ thược dược nằm ngang và mắt củ nằm ở giữa chậu. Mắt củ là vị trí thân cây sẽ mọc lên, vì vậy bạn nên đặt hơi chếch lên một chút sao cho mắt củ hướng lên trên.

  • Mắt củ trông như nụ và nằm đối diện với đám rễ trên củ.

8. Lấp một lớp đất ẩm dày khoảng 2,5 cm lên trên củ. Thời điểm này chưa nên lấp nhiều đất. Bạn chỉ nên rải một lớp đất ẩm dày khoảng 2,5 cm lên trên củ để chồi cây mọc lên.

9. Tưới nhẹ cho chồi cây mới nảy mầm, nhưng đừng tưới quá sũng nước. Bạn có thể chọc ngón tay vào đất để kiểm tra. Đừng tưới thêm nước nếu bạn sờ thấy đất ẩm. Nếu đất khô, hãy rảy thêm nước vừa đủ để làm ẩm mặt đất.

  • Bạn đừng để cho đất khô hoàn toàn, nhưng đất ướt sũng sẽ làm thối rữa củ hoa.
  • Có thể bạn không cần tưới nước cho đến khi chồi cây đâm lên mặt đất và những chiếc lá đầu tiên xuất hiện, trừ khi bạn sống trong vùng khí hậu nóng.

10. Phủ thêm đất từng ít một khi thân cây mọc lên. Cẩn thận khi thực hiện bước này để tránh làm tổn thương cây, vì giai đoạn này thân cây vẫn còn rất yếu ớt. Bạn hãy phủ đất lên thân cây mới mọc sao cho chạm đến cặp lá đầu tiên; nhớ đừng lấp đất lên lá cây.

  • Khi thân cây mọc cao hơn, bạn hãy tiếp tục phủ thêm từng ít đất vào khoảng trống còn lại trong chậu cho đến cách miệng chậu khoảng 2,5 cm.
  • Thược dược mọc rất nhanh, và bạn sẽ thấy cây ra đủ lá trong vòng 2 tuần. Những bông hoa thường xuất hiện sau khi trồng 8 tuần.

Phần 3 trong 3: Chăm sóc cây

1. Đặt chậu cây ở nơi có ánh nắng mặt trời toàn phần. Thược dược sinh trưởng tốt nhất dưới ánh nắng trực tiếp 6-8 giờ mỗi ngày. Để có kết quả tối ưu, bạn hãy chọn vị trí có ánh nắng mặt trời toàn phần từ buổi sáng đến giữa trưa. Cố gắng chọn khu vực có cả bóng râm một phần để tránh ánh nắng gay gắt vào buổi chiều, nhất là khi bạn sống trong vùng khí hậu nóng.

  • Nếu trồng cây trong nhà, bạn cần bổ sung cho ánh nắng mặt trời bằng đèn trồng cây huỳnh quang.
  • Bạn cũng cần cung cấp thêm ánh sáng nếu bắt đầu trồng cây trong nhà vào đầu mùa xuân. Lắp đèn bên trên cách miệng chậu cây khoảng 15 cm khi mới trồng củ và nâng cao dần khi cây mọc lên.

2. Tưới sâu khi thân cây đã mọc cao hơn miệng chậu. Bạn cần tưới kỹ cho cây mỗi tuần 2-3 lần. Cây thược dược trồng trong vùng khí hậu khô nóng có thể cần được tưới mỗi ngày. Mặc dù nên tưới kỹ và duy trì độ ẩm trong nước, nhưng bạn nên chú ý đừng để đất ướt sũng hoặc ngập úng.

3. Buộc thân cây vào cọc khi cây mọc cao khoảng 30 cm. Dùng dây thừng hoặc dây ni lông để buộc thân cây vào cọc. Khi thân cây mọc cao hơn, bạn hãy buộc theo từng đoạn cách nhau khoảng 30 cm.

4. Bón phân cho cây 2 tuần một lần trong suốt mùa hoa nở. Bạn nên chọn loại phân bón lỏng có hàm lượng photpho và kali cao hơn. Phân bón N-P-K thích hợp bao gồm loại 8-24-16 và 0-20-20.

  • Lượng photpho cao có tác dụng thúc cây ra hoa, còn kali kích thích rễ phát triển.
  • Sử dụng phân bón theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

5. Cắt tỉa và ngắt hoa chết thường xuyên để kích thích cây phát triển. Hoa thược dược duy trì được 4-6 ngày rồi tàn đi và chết. Bạn nên cắt bỏ những bông hoa đã tàn để kích thích cây đơm hoa mới. Loại bỏ các lá cây phía dưới vào giữa mùa hè hoặc khoảng giữa tháng bảy ở bắc bán cầu.[20]

  • Khi cây mọc cao khoảng 40 cm, bạn hãy ngắt các ngọn cây trước khi các nụ hoa hình thành để kích thích cây mọc sum suê hơn.
  • Việc loại bỏ các lá phía dưới sẽ giúp không khí lưu thông tốt hơn, từ đó giảm nguy cơ nhiễm mốc.

6. Xịt thuốc diệt nấm hoặc thuốc trừ sâu nếu cần thiết. Thược dược dễ bị nhiễm một số loại sâu bệnh, bao gồm mốc, sâu tai, sên trần, nhện đỏ, rệp và bọ dưa. Để ngăn ngừa dịch hại xâm nhiễm, bạn hãy dùng kết hợp thuốc diệt côn trùng và thuốc trừ nhện hại cách 7-10 ngày một lần khi cây mọc cao khoảng 15 cm.

  • Tìm loại thuốc diệt côn trùng và thuốc trừ nhện hại chuyên dành cho cây hoa ở trung tâm làm vườn và sử dụng theo hướng dẫn.
  • Dùng các loại thuốc trừ sâu hữu cơ, chẳng hạn như xà phòng làm vườn hoặc dầu neem nếu bạn thích các liệu pháp tự nhiên.

7. Bảo quản củ hoa ở nơi mát và khô ráo trong mùa đông. Đợt băng giá đầu tiên sẽ làm chết lá và thân cây. Khi điều này xảy ra, bạn hãy cắt thân cây sao cho chỉ còn cao 15 cm. Chờ 2 tuần cho củ cứng lại trong chậu. Sau đó, bạn hãy cẩn thận đào lên, rửa sạch, để khô trong một ngày và gói trong giấy báo, mùn cưa hoặc đá trân châu.

  • Bảo quản củ hoa ở nơi khô và tối với nhiệt độ 4-10 độ C trong mùa đông và trồng lại vào mùa xuân.
Lời khuyên
  • Khi cắt hoa thược dược, bạn hãy nhúng qua đầu cắt của cuống hoa vào nước nóng. Cách này sẽ giữ độ ẩm bên trong và giúp hoa tươi lâu hơn.
Những thứ bạn cần
  • Củ hoa thược dược
  • Chậu trồng cây rộng và nặng
  • Xẻng bứng cây
  • Hỗn hợp đất trồng cây
  • Phân bón
  • Cọc gỗ hoặc kim loại
  • Dây thừng
  • Kéo cắt tỉa cây