Cách để Trồng đậu lăng

By admin,
10:31:27 25/12/2019

Đậu lăng là một loại “siêu thực phẩm” có thể cung cấp nguồn protein dồi dào. May mắn cho các nhà làm vườn tiềm năng là loài cây này cũng khá dễ trồng và dễ chăm sóc. Bạn hãy bắt đầu bằng các hạt giống chất lượng hoặc đậu lăng khô. Trồng đậu trong chậu hoặc trong vườn tại vị trí nhận được nhiều ánh nắng và nước. Hy vọng là bạn có thể thu hoạch trong khoảng 100 ngày.

Phần 1 trong 3: Chọn địa điểm trồng đậu lăng

1. Mua hạt giống hoặc đậu lăng khô. Hạt giống đậu lăng đóng gói có thể khó tìm tại các trung tâm làm vườn. Có lẽ bạn phải đến nơi cung cấp nguyên vật liệu làm vườn chuyên nghiệp hoặc mua của các doanh nghiệp cung cấp hạt giống hữu cơ trên mạng. Tuy nhiên, với mục đích trồng trọt, bất cứ hạt đậu lăng khô và nguyên vẹn nào bán ở cửa hàng thực phẩm cũng đều sử dụng được.

  • Các hạt đậu lăng đã tách vỏ sẽ không trồng được. Bạn cần phải mua đậu lăng còn nguyên vỏ.

2. Rửa và phân loại hạt. Đổ hạt đậu lăng vào rổ và dùng nước rửa. Nhặt bỏ các hạt bị vỡ, nứt hoặc biến màu.

3. Gieo trồng cây vào đầu mùa xuân. Đậu lăng sinh trưởng tốt trong thời tiết mát mẻ và trong lành của tháng ba. Cây sẽ trưởng thành trong mùa hè khi nhiệt độ lên cao. Để hạt giống có thể sống sót, nhiệt độ trong đất phải đạt ít nhất là 4 độ C khi gieo trồng. Nếu sương giá đến sau khi cây đã mọc, bạn cũng đừng quá lo, vì phần lớn cây con có khả năng sống sót, ngay cả khi chúng phải mọc lại từ rễ.

  • Nếu muốn có nhiều sự lựa chọn linh hoạt hơn, bạn có thể trồng đậu lăng trong nhà, với điều kiện nhiệt độ phòng được duy trì trong khoảng 20 độ C. Vào mùa lạnh, nhiều người dùng loại đèn trồng cây trong nhà để tạo nhiệt độ ổn định.

4. Chọn vị trí nhiều nắng và thoát nước tốt. Đậu lăng có thể sinh trưởng tốt khi được trồng trong vườn và cả trong chậu. Điều cốt yếu là cây được cung cấp đủ ánh nắng mặt trời toàn phần. Bạn có thể trồng đầu lăng chung với các loài cây mọc thấp vì cây sẽ không bị che bóng. Đảm bảo đất phải ẩm nhưng mặt đất không đọng nước, vì rễ cây sẽ bị thối nếu đất bị úng nước.

  • Nếu muốn trồng đậu lăng trong chậu, bạn cần chọn chậu có độ sâu ít nhất 20 cm để rễ có thể phát triển tối đa.
  • Nếu lo ngại về tính a-xít hoặc kiềm trong đất, bạn có thể mua bộ thử độ pH ở cửa hàng bán đồ làm vườn. Đậu lăng sinh trưởng tốt trong đất có độ pH từ 6 đến 6,5.

Phần 2 trong 3: Trồng đậu lăng

1. Xử lý trước với chế phẩm phòng ngừa. Trước khi gieo hạt, bạn hãy rắc hoặc xịt lên hạt giống đậu lăng một hỗn hợp vi khuẩn có lợi được mua ở cửa hàng làm vườn. Loại chế phẩm phòng ngừa dùng cho các loại đậu nói chung đều dùng được. Quá trình xử lý trước này sẽ giúp hạt đậu lăng phát triển các mấu phụ trên rễ hoặc kéo dài rễ. Điều này sẽ giúp tăng khả năng chống chịu của cây trước sự thay đổi thời tiết và tăng năng suất thu hoạch.

2. Gieo hạt ở độ sâu ít nhất 2,5 cm. Nếu đất ẩm và tốt, bạn có thể gieo ở độ sâu 2,5 cm. Nếu đất bị khô trên bề mặt, bạn nên gieo hạt ở độ sâu tối đa 6,5 cm. Không gieo hạt sâu hơn khoảng cách này, vì hạt đậu lăng sẽ không nảy mầm được nếu bị chôn quá sâu.

3. Gieo hạt đúng khoảng cách. Khi trồng trong chậu, bạn nên cố gắng gieo hạt đậu lăng cách nhau ít nhất 2,5 cm. Nếu trồng thành hàng, bạn cũng nên làm theo hướng dẫn trên và giữ khoảng cách 15 cm giữa các hàng. Mật độ trồng này cho phép bạn thu hoạch được 450 gr hạt/30 mét vuông.

Phần 3 trong 3: Chăm sóc cây đậu lăng

1. Làm giàn cho các cây trưởng thành. Cây đậu lăng lớn hết cỡ có thể cao đến 76 cm. Nếu cây bị gục xuống, hoa và quả của chúng có thể bị hư hại hoặc chạm xuống đất. Bạn nên làm giàn thấp để nâng đỡ và quấn cây qua các khe hở trên giàn, hoặc có thể dùng dây vải buộc cây đậu lăng vào các cọc tre.

  • Muốn làm giàn nhanh, bạn có thể tìm vài cọc tre. Cắm cọc xuống đất gần cây đậu lăng. Dùng dây vải buộc cây vào cọc, sau đó liên kết các cọc với nhau bằng dây vải hoặc dây ni lông.

2. Tưới cây mỗi tuần hai lần. Cũng như các loài cây ưa nóng khác, đậu lăng có khả năng chịu hạn khá tốt. Nhưng chúng sẽ phát triển tốt nhất nếu được tưới đủ ẩm. Khi dùng ngón tay ấn xuống đất, bạn phải cảm nhận được độ ẩm, nhưng nước không dâng lên mặt đất chỗ vừa ấn xuống.

3. Thường xuyên nhổ cỏ dại và loại bớt cây. Các loài cỏ dại có thể lấn át và giết chết cây đậu lăng rất nhanh. Để ngăn chặn tình trạng này, mỗi tuần bạn nên dành thời gian nhổ cỏ dại trong khu vực trồng cây. Nếu các cây đậu lăng mọc chen chúc lên nhau, bạn cũng nên nhân tiện loại bớt cây để đảm bảo cho một mùa thu hoạch tốt.

  • Sư lưu thông không khí tốt cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm nấm và các bệnh khác sinh sôi trên đất tù đọng.

4. Diệt trừ các loài dịch hại. Loài bọ nhỏ li ti có thân hình quả lê và hút nhựa cây, còn gọi là rệp cây, thường bị thu hút đến cây đậu lăng và có thể ăn cây. Nếu trông thấy chúng, bạn hãy dùng bình xịt hoặc vòi nước xịt cho chúng rơi xuống. Nếu trên cây xuất hiện loài mọt ngũ cốc, bạn phải nhanh chóng nhổ các cây nhiễm bệnh vứt bỏ.

  • Nếu khu vực trồng đậu lăng bị các con thú xâm nhập, bạn có thể làm hàng rào bảo vệ hoặc trùm lưới nhẹ lên cây.

5. Bạn có thể thu hoạch đậu lăng sau khi trồng được 80 – 100 ngày. Dạo qua các luống đậu lăng và cắt sát gốc những cây có quả khi lắc sẽ nghe tiếng kêu lạo xạo ở một phần ba phía dưới quả. Những cây này cũng có thể chuyển sang màu vàng nâu. Sau đó, bạn hãy tách vỏ quả để lấy hạt bên trong. Phơi khô một chút trước khi rửa.

  • Bạn có thể bảo quản đậu lăng vừa thu hoạch trong lọ đậy kín cho đến khi cần sử dụng.

Lời khuyên

  • Có nhiều công thức nấu ăn sử dụng đậu lăng, trong đó có nhiều loại súp và rau trộn thơm ngon. Đậu lăng cũng có thể được dùng để cải tạo đất bằng cách nghiền nhỏ và trộn vào đất trước khi trồng cây.

Cảnh báo

  • Đậu lăng sinh trưởng tốt nhất khi trồng cùng với dưa chuột hoặc các cây trồng mùa hè. Tránh trồng đậu lăng cạnh các cây có mùi mạnh như hành hoặc tỏi, vì chúng có thể ảnh hưởng đến mùi vị của đậu lăng.

Bài viết liên quan

8 công nghệ tối ưu quy trình chăn nuôi Phân bón lá A4 và những lợi ích tuyệt vời ít người biết Triệu chứng và biện pháp khắc phục các bệnh thường gặp ở cây cà chua QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG ỚT NGỌT Quy trình canh tác cây dâu tây ứng dụng công nghệ cao