Nhiều cánh cửa lớn đã mở cho nông sản Việt Nam
(TBTCO) – Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cùng với sự đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh, năm 2022 toàn ngành Nông nghiệp đã hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao, “vượt đích” ngoạn mục và lập nhiều kỷ lục mới về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Xác lập kỷ lục mới về tổng giá trị và thặng dư thương mại
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu (XK) nông sản đạt 50 tỷ USD. Khép lại năm 2022, kim ngạch XK toàn ngành đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Ngành tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD.
Đặc biệt, thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Đây là con số lịch sử của ngành Nông nghiệp, đóng góp chủ lực trong tổng giá trị xuất siêu của cả nền kinh tế năm 2022.
Với những con số tăng trưởng ấn tượng đó thể hiện ngành Nông nghiệp đã “vượt đích” ngoạn mục, đồng thời lập nhiều kỷ lục mới về XK nông, lâm, thủy sản (NLTS). Điển hình, sau hơn 20 năm tham gia thị trường quốc tế, lĩnh vực thủy sản đã ghi dấu XK kỷ lục đạt gần 11 tỷ USD. Hay với sản phẩm gạo, năm 2022 do chính sách thắt chặt XK lương thực của một số nước nên XK gạo Việt Nam đã đạt kỷ lục 7 triệu tấn…
Có được thành công này, theo Bộ NN&PTNT, toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện đề án thúc đẩy XK NLTS đến năm 2030. Thị trường tiêu thụ tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại giúp XK NLTS.
Gạo chất lượng cao của Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tích cực mở cửa rất nhiều thị trường khó tính cho nông sản để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn đã chứng minh được rằng chất lượng nông sản Việt Nam có thể chinh phục các thị trường khó tính nhất. Nhìn lại năm 2022, có rất nhiều mặt hàng nông sản ghi danh vào thị trường lớn. Trong đó sầu riêng, khoai lang, tổ yến… vào Trung Quốc; bưởi sang Hoa Kỳ; nhãn sang Nhật Bản; chanh, bưởi sang New Zealand…
Như vậy, việc mở cửa thị trường tạo cơ hội lớn cho sản xuất; XK nông sản chính thức, ổn định bền vững; đầu ra và giá cả ổn định đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lợi ích cho người sản xuất. Thực hiện tốt các quy định của thị trường sẽ giúp giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu/cảng, giúp thông quan nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà XK.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã biết hướng đến nhiều thị trường cao cấp hơn để tạo ra lợi nhuận cao hơn. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ, sản xuất ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, bán sản phẩm thị trường cần. Đơn cử, XK gạo chất lượng cao sang châu Âu, Nhật Bản là minh chứng cho thấy doanh nghiệp đã hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau. Điều này dẫn dắt người nông dân đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa chất lượng nông sản cho từng thị trường. Vì vậy, tư duy đường dài của doanh nghiệp sẽ đưa đến tư duy đường dài cho người nông dân.
Lĩnh vực thủy sản ghi dấu xuất khẩu đạt kỷ lục gần 11 tỷ USD năm 2022.
Xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững
Dù đạt được kết quả khả quan trong năm 2022, song theo đánh giá của các chuyên gia, XK nông sản của Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể, còn phụ thuộc vào độ mở của thị trường Trung Quốc; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tuy đã được thực thi nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với hàng rào pháp lý bảo hộ hàng trong nước của nhiều thị trường… Hàng hóa nông sản ra thị trường không chỉ được đánh giá, tiếp nhận bởi giá cả, chất lượng mà còn quan tâm các yếu tố như tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu…
Trước những khó khăn và sức ép đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, ngành Nông nghiệp sẽ có kế hoạch để chủ động thích ứng nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời đây cũng là cơ hội để xây dựng hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam trách nhiệm, bền vững.
Năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33%
“Theo thống kê, trong năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33%; trong đó: trồng trọt 2,88%, chăn nuôi 5,93%, thủy sản 4,43%, lâm nghiệp 6,13%, giá trị gia tăng toàn ngành năm 2022 ước tăng trên 3%, tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.”
Định hướng thị trường năm 2023, vị tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng, rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường. Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất cần bảo đảm sản phẩm giữ được chữ tín trên thị trường. Thời cơ đã có, vấn đề là tâm thế để XK loại hàng hóa mà thị trường có nhu cầu lớn. Theo đó, trong năm 2023, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện quyết liệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; kế hoạch cơ cấu lại ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Ngành này cũng đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,0%; tổng kim ngạch XK NLTS khoảng 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.
Phấn đấu đến năm 2030, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 60-62 tỷ USD
“Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện đề án thúc đẩy xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản (NLTS) đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu chung của đề án đến năm 2030 là thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch XK các sản phẩm NLTS, tham gia toàn diện và bền vững vào chuỗi cung ứng NLTS, thực phẩm toàn cầu; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm NLTS XK của Việt Nam nhằm đáp ứng được các quy định của các thị trường nhập khẩu; tiếp tục định vị và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm NLTS của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đến năm 2030, giá trị XK NLTS của Việt Nam đạt khoảng 60 – 62 tỷ USD; trong đó, nhóm nông sản chính đạt 25 tỷ USD, lâm sản đạt khoảng 16 – 17 tỷ USD, thủy sản đạt 15 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt từ 3 – 4 tỷ USD, mặt hàng NLTS khác đạt khoảng 2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK NLTS đạt khoảng 6% – 8%/năm; khoảng 40% sản phẩm NLTS của Việt Nam XK được gắn thương hiệu quốc gia, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; khoảng 60% giá trị XK các sản phẩm NLTS là qua chế biến và chế biến sâu.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến XK NLTS. Thúc đẩy phát triển các mô hình chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, trong đó liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp là vai trò chủ đạo trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu NLTS. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, triển khai các hoạt động nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm; quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế…”
Nguồn: Sưu tầm