Quy trình trồng và chăm sóc cây cà phê
1, Nguồn gốc và xuất xứ của cây cà phê
Cà phê là một loại cây công nghiệp thuộc họ thiến thảo (Rubiaceae). Trong họ thiến thảo lại chia thành nhiều chi, cây cà phê mà chúng ta đang trồng hiện nay thuộc chi cà phê (Coffea). Không phải toàn bộ các loại cây trong chi cà phê đều chứa caffein trong hạt, thậm chí một số cây còn khác xa với cà phê như cây canh ki na, cây câu đằng…
Chỉ có hai loài cà phê được trồng nhiều nhằm phục vụ việc lấy hạt và chế biến cà phê, đó là :
Cà phê vối: Tên khoa học Coffea Robusta, còn gọi là cà phê Rô-bút-ta, loài này chiếm 39% sản lượng cà phê trên thế giới. Ở Việt Nam, người dân chủ yếu trồng và canh tác loại cà phê này
Cà phê chè: Tên khoa học Coffea Arabica, chiếm 61% sản lượng cà phê TG.
Ngoài ra còn có cà phê mít: Tên khoa học Coffea Liberica. Nhưng sản lượng không đáng kể (Nhỏ hơn 1%)
2, Yêu cầu về khí hậu và đất trồng cà phê
Cây cà phê vối, cà phê mít thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nhiệt độ 24 – 26 độ C, lượng mưa 2000mm/năm trở lên
Cây cà phê chè thích hợp với khí hậu lạnh vùng cao, cận nhiệt đới. Nhiệt độ từ 20 – 22 độ C, lượng mưa từ 1700 – 2000mm/năm
Cả 3 loài cà phê đều cần một khoảng thời gian khô hạn ngắn sau thu hoạch để phân hóa mầm hoa.
Về đất trồng: Cà phê không yêu cầu khắt khe về đất, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất, đất đỏ bazan, đất xám, đất thịt pha… nhưng để đạt năng suất cao và ổn định thì trồng ở đất đỏ bazan là phù hợp nhất. Đất trồng cà phê yêu cầu thoát nước tốt, tơi xốp, độ pH của đất từ 5.0 – 6.5. Có tầng canh tác từ 0.8 – 1m, đất giàu dinh dưỡng, hàm lượng hữu cơ trung bình đến cao
Đối với đất trồng cà phê lâu năm, muốn nhổ gốc trồng mới, cần cày đất thật kỹ, phơi đất và trồng 2-3 vụ màu trước khi trồng lại cà phê
Gió và ánh sáng: Gió nóng hay gió lạnh đều ảnh hưởng đến cây cà phê, có thể giảm năng suất nếu gặp gió mạnh và giai đoạn trổ bông. Do đó nhất thiết phải trồng cây chắn gió ở xung quanh vườn hoặc giữa các hàng giai đoạn kiến thiết. Cà phê là cây thích ánh sáng tán xạ, nên trồng xen cà phê với bơ, hoặc cà phê xen tiêu trên trụ sống. Sẽ giúp giảm ánh sáng trực tiếp.
3, Mật độ trồng cà phê
Cà phê vối: Khoảng cách trồng là 3m x 3m đối với đất tốt và bằng phẳng (1.118 cây/ha), trồng 3m x 2,5m đối với đất trung bình và dốc (1.330 cây/ha)
Cà phê mít: trồng 5m x 5m hoặc 7m x 7m (khoảng 700 cây/ha)
Cà phê chè: trồng 2m x 1m (khoảng 4.000 – 5.000 cây/ha)
4, Lựa chọn giống cà phê
Cà phê vối: Nên chọn những giống cà phê cao sản như: Giống TR4 (Giống cà phê 138), Giống TR9 (Giống cà phê 414 – Các giống có mã TR là các giống được Viện Eakmat nghiên cứu và tuyển chọn, khuyến khích nhân rộng). Hoặc chọn các giống xuất xứ Lâm Đồng như: Giống Hữu Thiên, Giống Thiện Trường, Giống Trường Sơn TS5 (cà phê xanh lùn). Đây là những giống có năng suất cao, kháng bệnh rỉ sắt tốt, cây sinh trưởng mạnh….
Cà phê chè: Chọn các giống TN1, TN2, … TN10 trong đó 2 giống TN1 và TN2 là giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận
5, Kỹ thuật trồng cà phê
Thời vụ trồng cà phê: Có thể trồng vào vụ Thu (Tháng 8-9DL) hoặc vụ xuân (tháng 2-3DL)
Chuẩn bị hố trồng: Đào hố và bón lót phân trước khi trồng 1 tháng, hố có kích thước 60 x 60 x 60cm. Khoảng cách tùy theo mật độ trồng
- Có thể sử dụng Lân Vôi Dolomite của Công Ty TNHH – TM – DV Trung Thái
Bón lót: Mỗi hố trộn 10-20kg phân chuồng hoai mục + 1kg phân hữu cơ sinh học HVB + 0,2kg phân khoáng vi lượng HVB + 0,3 – 0,5kg supe lân + 0,5 kg vôi bột. Trộn đều với lớp đất mặt, lớp đất sâu loại riêng để tạo bồn. Sau khi trộn phân lấp đầy hố, vun cao 5-10cm, sau đó dùng châm dẫm nhẹ
- Công Ty chúng tôi cũng chuyên nhập một số hàng Hửu Cơ Nhật Bản
Tiến hành trồng cà phê: sau 1 tháng ta tiến hành trồng cây con vào hố. Tùy theo kích thước bầu ươm, đào 1 lỗ chính giữa hố, đường kính lớn hơn bầu 10cm, sâu khoảng 30cm.
Khi trồng cần xé nhẹ lớp nilon của bầu ươm, không làm vỡ bầu. Đặt cây vào chính giữa lỗ (căn cho thẳng hàng, thằng cây) mặt bầu thấp hơn mặt đất 5cm.
Lấp đất từ từ đồng thời dùng tay nén chặt đất xung quanh
Sau khi trồng tiến hành vét bồn xung quanh gốc, đường kính khoảng 1m – 1m2, nén chặt thành bờ, tránh trời mưa đất trôi xuống lấp mất cây con
6, Kỹ thuật chăm sóc cà phê
Trồng cây chắn gió cho cà phê
Cây trong giai đoạn kiến thiết, giai đoạn thu hoạch đều cần được chắn gió cẩn thận. Nên sử dụng cây muồng vàng làm cây chắn gió. Trồng vào giữa hàng cà phê, khoảng cách 2-3 hàng cà phê 1 hàng muồng vàng. Xác cây muồng vàng có thể tận dụng để ép xanh khi thay thế cây mới
Trồng cây che bóng cho cà phê
Có thể tận dụng các ngã tư giữa các bồn để trồng cây che bóng, khoảng cách 9 x 9m hoặc 9 x 12m. Trồng cùng thời điểm với cây cà phê con. Các cây che bóng có thể là bơ sáp, sầu riêng thái, cây trụ sống trồng tiêu, vừa có tác dụng che bóng vừa là cây xen canh có giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập.
Cây che bóng cần rong tỉa cành hợp lý, không để quá rậm rạp. sao cho cây cà phê bên dưới có thể tiếp nhận được ánh sáng. Tán cây phải cách ngọn cà phê từ 2 – 4m.
Làm cỏ cho cà phê
Cà phê là cây có nhiều rễ con hấp thu dinh dưỡng tầng mặt, do đó cần làm cỏ thường xuyên, 1 năm 4-5 lần. Làm sạch cả trong bồn và trên thành bồn. Khi làm cỏ có thể kết hợp đánh bồn. Trước khi bón phân cũng cần làm cỏ sạch sẽ
Kỹ thuật làm bồn cà phê
Việc làm bồn giúp cho công tác tưới tiêu, bón phân dễ dàng và hiệu quả hơn. Thành bồn cần được nén chặt thành bờ, cao hơn mặt bồn bên trong 15 – 20cm. Mỗi năm đánh bồn 1 lần vào đầu mùa mưa, mở rộng bồn theo tán cây, đến khi giao nhau với các bồn của hàng bên cạnh thì ngưng.
Cắt tỉa cành tạo tán cây cà phê
Thường xuyên bẻ chồi vượt mọc từ thân chính và nách lá, đặc biệt là đầu mùa mưa, trước đợt bỏ phân. 1 năm có thể tiến hành làm chồi từ 5-6 lần
Sau khi thu hoạch, dùng kéo cắt bỏ cành tăm, cành nhỏ giáp thân, cành khô, cành bị sâu bệnh
Ở mỗi vị trí đốt cành chỉ để lại khoảng 3 cành dự trữ
Tỉa bớt các cành thứ cấp trên cao để ánh sáng có thể tiếp cận các cành bên dưới
Hãm ngọn ở độ cao 1,6 – 1,7m
Đối với cà phê cưa đốn phục hồi: Tiến hành cưa vào khoảng tháng 2 DL, vị trí cưa cách mặt đất 20 – 25cm. Cưa vát 1 góc 45 độ. Nuôi 4-5 chồi khỏe mạnh nhất. Khi chồi cao 25cm, để lại 2 chồi để tạo thân và tiến hành chăm sóc, tạo hình như đối với cà trồng mới
Kỹ thuật tưới nước cà phê
Mùa khô cần tiến hành tưới nước cho cây cà phê, cà phê con 10-15 ngày 1 lần. Cà phê giai đoạn kinh doanh 20-25 ngày 1 lần. Khi tưới cần tưới tập trung để cây ra hoa đồng loạt tăng tỷ lệ đậu trái.
Nếu có những đợt mưa trái mùa, cần tiến hành “tưới đuổi” cung cấp đủ nước để cây ra hoa đều.
Có thể tưới bằng “béc” hoặc tưới “dí” vào bồn tùy theo địa hình và nguồn nước ít hay nhiều. Tưới nhỏ giọt cũng là 1 biện pháp rất hay, giúp tiết kiệm nước tưới đồng thời bảo đảm cây luôn được cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết
7, Kỹ thuật bón phân cho cà phê
Phân hữu cơ: Phân chuồng đã hoai mục bón 2 năm/lần với lượng 5kg/gốc. Thời gian và phương pháp bón: Bón theo rãnh 15x20cm xung quanh tán cây.
Phân vô cơ: Bón vào vành mép tán như phân hưu cơ, bón vào tháng 1-2 kết hợp dùng vôi rải đều trên mặt bồn cây.
8, Phòng trừ sâu bệnh cho cà phê
- a) Sâu hại cà phê
– Sâu đục thân: Gây hại chủ yếu trên thân cà phê từ năm thứ 3 trở đi, ở đoạn 1/2 đến 1/3 thân chính.
– Phòng trừ: Thu gom tất cả các cây đã bị sâu hại đem đốt; trồng cây che bóng với mật độ phù hợp; bón Padan 0,2% trước mùa gây hại (tháng 3 và tháng 8).
- b) Bệnh hại cà phê
– Bệnh lở cổ rễ chủ yếu gây hại ở vườn ươm. Phòng trừ: Nhổ, đốt các cây bị bệnh nặng, không để đất xung quanh gốc bị đóng vàng và đọng nước, tránh gây vết thương ở rễ. Tưới nước Boođô 1%, phun Ridomil 0,3%.
– Bệnh vàng lá do tuyến trùng:
+ Những cây bi bệnh thường làm cho cây sinh trưởng chem., ít cành thứ cấp và chồi vượt, lá màu vàng, rễ và cổ rễ thối thường hay xuất hiện nhiều cà phê thời kỳ KTCB trong mùa mưa.
+ Phòng trừ: Kiểm tra vườn cây, phát hiện kịp thời cây bị bệnh. Nếu nặng thì đào đốt, nhẹ thì xử lý bằng thuốc Puradan 6g/gốc (tương đương 30kg/ha). Bón phân đầy đủ, cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ và vôi, hạn chế xới xáo trong vườn cà phê đã bị bệnh để tránh làm tổn thương ở bộ rễ. Vườn cà phê già cỗi bị bệnh sau khi thanh lý, không được trồng lại ngay mà phải rà rễ và luân canh cây họ đậu ít nhất 2 năm trước khi trồng lại
phê.
9, Thu hoạch và chế biến cà phê
Yêu cầu đầu tiên đối với việc thu hái cà phê là hái đúng độ chín. Để có cà phê chất lượng cao nhất thiết phải có quả chín đỏ hay vừa chín, không hái quả xanh. Không để quả chín nẫu hay khô trên cây. Nếu có lẫn những loại này thì cần bỏ ra phơi riêng.
Trong sản phẩm thu hoạch số quả chín hoặc vừa chín nhất là 95%, trừ đợt thu hoạch lần cuối tỷ lệ có thể thấp hơn.
Hái cà phê bằng cách dùng ngón tay bứt quả, không tuốt cành, không bứt cả chùm đối với cà phê chè. Phải bảo vệ cành, lá, nụ tránh ảnh hưởng tới vụ sau. Không để quả cà phê lẫn vào trong đất dễ bị nhiễm nấm bệnh.
Cà phê hái xong phải chế biến ngay. Nếu không kịp phải trải quả cà phê trên nền gạch cho thoáng mát, không quá dày 30-40 cm. Không ủ đống cà phê làm cho quả cà phê nóng và lên men. Không giữ cà phê hái về quá 24 giờ.
Bao bì đựng sản phẩm cà phê quả tươi và phương tiện vận chuyển phải sạch, không có mùi phân bón, mùi hoá chất…