Xây dựng nền nông nghiệp bền vững không thể thiếu vai trò của khoa học công nghệ
[:vi]Để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, có 200 doanh nghiệp công nghệ cao và 50-100 vùng nông nghiệp công nghệ cao…
Khoa học công nghệ đóng góp lớn vào giá trị nông nghiệp.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 22/2/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ: “Khoa học công nghệ quyết định vị thế của quốc gia, của toàn ngành. Nền nông nghiệp đang chuyển từ nâu sang xanh rất cần sự chung tay của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VẪN CHƯA BÁM SÁT NHU CẦU THỊ TRƯỜNG
Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là, đến năm 2030 đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TEP) vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%.
Mục tiêu tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiết bộ kỹ thuật,… được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc bộ cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021- 2025 và 35% giai đoạn 2026 -2030.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Kế hoạch thực Chiến lược nêu trên là xây dựng tổ chức Khoa học công nghệ ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất. Cụ thể, đến năm 2030 có 200 doanh nghiệp công nghệ cao và 50-100 vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Ninh, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển công nghệ sinh học thông qua việc nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học thế hệ mới, công nghệ gen; làm chủ công nghệ tạo các chế phẩm sinh học. Làm chủ công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống cây trồng sạch bệnh quy mô công nghiệp, giảm giá 30% so với truyền thống. Tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất ở quy mô công nghiệp; tạo và phát triển được giống cây trồng, vật nuôi mang tính trạng cải tiến bằng công nghệ chỉ thị phân tử, chỉnh sửa gen.
Đối với cơ giới hóa nông nghiệp, ông Ninh cho hay sẽ xây dựng các mô hình trình diễn về cơ giới hoá đồng bộ sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản với công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại, có mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao để khuyến cáo cho các doanh nghiệp áp dụng vào sản xuất.
“Rất ít viện, trường bây giờ có hội đồng khoa học. Thực tế, là các đơn vị thường đề xuất đề tài dựa trên thế mạnh của mình mà ít quan tâm đến thị trường đang cần gì. Thành ra, 57 đơn vị nghiên cứu khoa học của Bộ đề xuất mỗi năm đến 200-300 đề tài, nhưng thực hiện được chỉ khoảng 10%”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ số như nghiên cứu ứng dụng, xây dựng các công cụ phục vụ chuyển đổi số, số hóa, tạo lập dữ liệu lớn (Bigdata) đế tối ưu hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, quản trị, liên kết chuỗi giá trị.
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy nhận định hiện nay nguồn tài chính cho khoa học công nghệ không thiếu nhưng nằm ở những đầu mối khác nhau như: các chương trình quốc gia, nguồn từ địa phương, nguồn từ các doanh nghiệp trong khi ở Bộ chỉ một phần nhỏ. Thế nhưng, việc khai thác các nguồn bên ngoài Bộ của chúng ta còn rất yếu.
“Cơ sở vật chất của khối nghiên cứu nông nghiệp như nhà xưởng, phòng thí nghiệm, đất… rất lớn nhưng nguồn tài chính từ ngân sách hoặc xã hội hóa để vận hành lại hạn chế. Đa số các viện, trường chưa thực sự chủ động trong việc phối hợp doanh nghiệp, địa phương để nhận đơn đặt hàng”, bà Thủy nói.
Vì vậy, bà Thủy đề xuất sẽ thực hiện Đề án thí điểm Cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong nghiên cứu phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ ngành nông nghiệp giai đoạn 2023-2030. Cùng với đó là ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ như tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất cho khối viện, trường và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và các cơ hội phát triển nghề nghiệp thuận lợi cho nhà khoa học.
Bà Thủy kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Cục, Vụ, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp để sớm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các nhà khoa học làm nông nghiệp. Đây là điểm yếu nhất cần khắc phục.
8 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Ông Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố bày tỏ mong muốn các mô hình tại khối viện, trường cần được coi là tài sản, giúp đơn vị có thể vừa nghiên cứu, vừa chuyển giao giúp tăng nguồn thu. Cùng với đó, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn cần có định mức mới, phù hợp với chi phí thực nghiệm.
Theo ông Phạm Văn Toản, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, trong Chiến lược và Kế hoạch hành động vấn đề xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp vẫn còn mờ nhạt. Cơ chế thu hút nguồn lực cấp vùng phục vụ cho khoa học công nghệ chưa có. Bên cạnh đó, cần xem xét các vấn đề về xây dựng cơ chế chuyển giao quyền khai thác, chuyển nhượng đối với các sản phẩm nghiên cứu; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ngành nông nghiệp…
“Nghiên cứu khoa học hiện được Nhà nước ưu tiên khi luôn đảm bảo đầu tư cho hoạt động này ở ngưỡng 2% tổng chi ngân sách. Khoa học công nghệ quyết định vị thế của quốc gia, của toàn ngành. Nền nông nghiệp đang chuyển từ nâu sang xanh rất cần sự chung tay của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao và ghi nhận những thành tựu trong 10 năm tái cơ cấu nông nghiệp vừa qua, đặc biệt là năm 2022 khi giá trị xuất khẩu đạt 53,22 tỷ USD… có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ của khoa học.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu lên 8 giải pháp trọng tâm cần thực hiện đối với phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp.
Một là, giữ chân, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Hai là, xây dựng, đồng bộ cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp.
Ba là, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất, trong đó có 17 phòng thí nghiệm trọng điểm.
Bốn là, sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu, khối viện trường.
Năm là, tối ưu tài nguyên đất đai và các quá trình có thể thương mại trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Sáu là, rà soát, nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách với các đơn vị tự chủ tài chính.
Bảy là, bổ sung nguồn kinh phí từ địa phương, từ nguồn xã hội và FDI cho nghiên cứu khoa học.
Tám là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ.
Nhìn nhận khoa học công nghệ cũng đang vận hành theo cơ chế thị trường, Thứ trưởng đề nghị mỗi nhà khoa học hãy lấy đề tài xuất phát từ thực tiễn rồi quay trở lại thực tiễn phục vụ. Trong bối cảnh thị trường thế giới thay đổi chóng mặt, các quốc gia cạnh tranh nhau bằng khoa học công nghệ, đòi hỏi thay đổi cách suy nghĩ, tiếp cận nhanh nhạy và hiệu quả. Nghiên cứu khoa học cần có sự phối hợp với doanh nghiệp để sản phẩm khoa học công nghệ ra được thị trường.
Nguồn: VnEconomy